Tây Ninh tập trung xây dựng, tạo tiền đề phát triển cân bằng, bền vững

407 lượt xem
Tỉnh ủy Tây Ninh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Dịp này, đồng chí NGUYỄN THÀNH TÂM, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Tây Ninh cùng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MINH ANH)
Lãnh đạo Tỉnh ủy Tây Ninh cùng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MINH ANH)

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả chính mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khóa 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay?

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, gây hậu quả rất nặng nề tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện khá đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11; đồng thời cùng với cả nước chung sức phòng, chống và từng bước đẩy lùi đại dịch, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa duy trì, khôi phục sản xuất.

Hệ thống tổ chức của Đảng, bộ máy chính quyền và các cơ quan mặt trận-đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ chính trị ở tất cả các cấp, các ngành, các địa bàn, lĩnh vực; các giải pháp, đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng đã được ban hành, triển khai sớm từ đầu nhiệm kỳ bước đầu phát huy được hiệu quả; các chỉ tiêu về xây dựng Đảng cơ bản đạt kế hoạch, chú trọng hơn về chất lượng.

Kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra; khu vực thương mại-dịch vụ là điểm sáng với sự bứt phá của lĩnh vực du lịch mà trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; thu, chi ngân sách bảo đảm dự toán, bố trí đủ kinh phí cho các yêu cầu, nhiệm vụ, hoạt động của hệ thống chính trị, nền kinh tế; huy động tổng đầu tư xã hội đạt kế hoạch (hơn 36% GRDP).

Công tác lập quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tập trung thực hiện bảo đảm chất lượng, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững; đồng thời, tích cực phối hợp, triển khai hợp tác, liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ với trọng tâm là hoàn thiện kết nối giao thông để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng hệ thống công trình thuỷ lợi tưới tiêu phía tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 1, mở rộng vùng tưới cho khoảng 17.000 ha đất nông nghiệp.

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện.

Cấp ủy và chính quyền, đoàn thể các cấp luôn quan tâm, chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, nhất là đối với gia đình có công với cách mạng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Hoạt động đối ngoại, trọng tâm là đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới Campuchia được củng cố, tăng cường nhằm duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tin cậy, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Phóng viên: Với tinh thần nhìn thẳng, nói thật và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân, đồng chí có thể cho biết, bên cạnh các thành tựu, Tây Ninh hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì cần quyết tâm cao hơn nữa để tạo chuyển biến mới?

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm: Có thể thấy, việc xây dựng một số nội dung trong Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của nhiệm kỳ còn chậm, chất lượng chưa cao. Công tác tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể ở các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thật đồng bộ, sâu sát, chưa đem lại kết quả rõ nét.

Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và công tác quản lý nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực nhạy cảm.

Chúng tôi nhìn nhận rằng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao, chưa thể hiện thật tốt vai trò lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên tại cơ sở thiếu chặt chẽ.

Các đề án chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng triển khai thiếu quyết liệt, kết quả chưa như kỳ vọng; công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên tại một số địa bàn còn gặp khó khăn, nhất là trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Một vài nơi còn thiếu kiên quyết trong việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Về kinh tế, tuy duy trì tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp, tỉnh dự báo có một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản khó đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra vào cuối nhiệm kỳ.

Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, các tiềm năng về đất đai, điều kiện tự nhiên chưa được khai thác hiệu quả, cho nên chưa đem lại giá trị, động lực tăng trưởng đúng tầm. Triển khai các đột phá chiến lược của tỉnh có nội dung còn lúng túng, chưa đem lại kết quả cụ thể và tác động vào tăng trưởng, phát triển chưa rõ nét.

Chất lượng, tiến độ triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia có một số vấn đề hạn chế cần phải quan tâm, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Ngoài ra, năng lực hệ thống y tế ở Tây Ninh, nhất là y tế cơ sở, còn nhiều hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ở Tây Ninh chậm được khắc phục. Việc thực hiện mô hình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập còn nhiều khó khăn.

Việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chưa thực hiện được, trong khi hệ thống dạy nghề hiện nay còn yếu. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng chưa có chuyển biến lớn.

Phóng viên: Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ nay đến hết nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh có chủ trương và hành động thực tế như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm: Rút kinh nghiệm từ kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ, Đảng bộ Tây Ninh sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm như:

Đẩy mạnh hợp tác, kết nối liên kết vùng, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, cụ thể hóa định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị, trong đó, tập trung đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết phát triển kinh tế (thu hút đầu tư, thương mại) nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh trong vùng.

Chúng tôi cũng kiên trì, nghiêm túc triển khai thực hiện đi vào chiều sâu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và các Đề án về xây dựng Đảng của Tỉnh ủy.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tập trung vào chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng từ cơ sở trở lên, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng rà soát, đánh giá cụ thể các động lực phát triển, nhất là nguồn lực từ đất đai, nguồn lực xã hội hóa từ các dự án đầu tư trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại, nhất là các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa để tập trung huy động, thúc đẩy, chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, tỉnh sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế công lập, bảo đảm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân cơ bản, ổn định; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động y tế tư nhân; tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội hóa, mời gọi đầu tư giáo dục đại học, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ổn định, lâu dài; chăm lo tốt cho người có công.

Đặc biệt, toàn hệ thống chính trị Tây Ninh quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, xây dựng môi trường hành chính, đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung của cán bộ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tây Ninh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của Đảng bộ trong nửa cuối nhiệm kỳ. Vì vậy từng cấp ủy, đơn vị cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc trách nhiệm quản lý.

Chúng tôi kiên quyết sắp xếp những cá nhân hạn chế về năng lực, không phù hợp với vị trí công tác hoặc thiếu động lực, thiếu quyết tâm hành động… sang những vị trí phù hợp hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

>>> Loạt quy định mới về sổ đỏ có hiệu lực từ 2023, mua bán nhà đất cần nắm chắc trong tay

Nguồn : Nhân dân

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN