Tây Ninh có bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng về thiên nhiên, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, địa phương thường khai thác mang tính mùa vụ vào dịp đầu xuân.
Khắc phục vấn đề này, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp bứt phá khơi dậy tiềm năng, xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nắm bắt nhu cầu du xuân, đi lễ của người dân đầu xuân tăng cao, tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen, Tây Ninh đã đầu tư xây dựng thêm tuyến cáp treo tốc độ cao cùng các công trình kiến trúc tâm linh đặc sắc như tượng Phật Bà, khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo… Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng tôi chứng kiến dòng người nối dài tấp nập đổ về du xuân tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Theo đánh giá của ngành du lịch Tây Ninh, từ đầu Tết Quý Mão đến nay, Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen đã đón gần 2 triệu lượt khách.
Chị Vũ Thị Ngân, du khách TP Hồ Chí Minh cho hay: “Năm nào dịp đầu xuân, gia đình tôi cũng đến thắp hương, cầu mong gia đạo bình an, nhiều sức khỏe tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Song xuân này thật ấn tượng vì chúng tôi đi lễ Phật Bà được du xuân ngắm cảnh hồ Dầu Tiếng từ đỉnh núi Bà Đen và được khám phá quần thể tâm linh với nhiều kiến thức sâu sắc về Phật giáo cùng các huyền tích về núi Bà Đen. Đây là chuyến đi để lại cho gia đình tôi nhiều năng lượng và cảm hứng”.
Tây Ninh tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và có hơn 260km đường biên với nước bạn Campuchia với hai cửa khẩu quốc tế, có hệ thống giao thông khá thuận lợi để kết nối với các địa phương và Campuchia. Đây là tiềm năng để Tây Ninh phát triển du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Đặc biệt, Tây Ninh còn có thiên nhiên phong phú, di tích lịch sử văn hóa đa dạng là tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, như: Du lịch tâm linh tại tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, du lịch về nguồn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao tại hồ Dầu Tiếng; du lịch mua sắm tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát…
Mặc dù có nhiều tiềm năng trên, song ngành du lịch địa phương mới chỉ tập trung đầu tư thu hút khách tâm linh dịp đầu xuân tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen; còn nhiều điểm du lịch khác, việc đầu tư còn chưa đúng tầm nên chưa khai thác tốt tiềm năng. Bởi vậy, cũng tổ chức vào dịp đầu Xuân Quý Mão, song, tại các lễ hội truyền thống Kim Quang, Hội thề Rừng Rong… mặc dù có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhưng lượng khách đến không nhiều và có xu hướng giảm dần vào các tháng khác trong năm, ngay cả tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen. Bên cạnh đó, lượng khách đến Tây Ninh cũng phần lớn là khách nội địa đi về trong ngày, chi tiêu ít, chứa đựng nhiều rủi ro, bởi còn thiếu hệ thống nhà hàng, khách sạn, các hoạt động giải trí tại các điểm du lịch. Trong khi đó, việc kết nối những tour của Tây Ninh với các địa phương cũng chưa nhiều và thường chỉ tập trung dịp đầu xuân; đội ngũ nhân lực còn mỏng, chưa được bổ sung những kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực mới, hiện đại; nhận thức của người dân về làm du lịch còn hạn chế; quy mô một số dịch vụ còn nhỏ lẻ…
Khắc phục những hạn chế, ngành du lịch Tây Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều cách làm mới, tạo sự bứt phá. Hồ Dầu Tiếng có không gian rộng, thoáng mát, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mới đây, ngành du lịch Tây Ninh đã phối hợp với một số địa phương tổ chức hoạt động “bay dù lượn thể thao biểu diễn”, tạo sản phẩm du lịch mới, thu hút đông khách du lịch đến trải nghiệm. Khơi dậy đặc trưng văn hóa ẩm thực hình thành cách đây hơn 180 năm, địa phương tổ chức lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay Tây Ninh” lần thứ I năm 2023, gắn với các chương trình nghệ thuật nên cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức. Còn tại Khu di tích lịch sử văn hóa-danh thắng và du lịch núi Bà Đen, trước đó, ngành du lịch địa phương cũng triển khai kế hoạch kết nối những tour du lịch với các địa phương tổ chức Chương trình “Ngắm Tây Ninh trên những tầng trời” nhằm thu hút khách vào các tháng còn lại trong năm…
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, để nhân rộng những cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, khơi dậy tiềm năng du lịch.
Hiện nay, Tây Ninh chú trọng rà soát, quy hoạch; phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa-lễ hội, du lịch sinh thái, về nguồn… gắn với trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa có lộ trình cụ thể. UBND tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ chế chính sách thu hút đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ, hiện đại và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, lựa chọn xây dựng những sản phẩm du lịch mới đặc trưng có chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Địa phương cũng đẩy mạnh liên kết vùng; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng cơ bản, đa dạng về du lịch, triển lãm, hội chợ… gắn tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tạo ấn tượng cho du khách về quê hương Tây Ninh đẹp và giàu truyền thống.
>>> Ấn định thời gian khởi công đường cao tốc Phnom Penh – Tây Ninh
Nguồn : Quân đội nhân dân
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: