Động lực nào bứt phá kinh tế Tây Ninh?

410 lượt xem

6 tháng đầu năm, Tây Ninh vươn lên đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ với GRDP đạt hơn 50.000 tỉ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Với đà tăng trưởng ấn tượng, “nóc nhà Đông Nam bộ” đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Sự “trỗi dậy” của Tây Ninh cho thấy các địa phương đều có dư địa để bứt phá kinh tế.

Động lực nào bứt phá kinh tế Tây Ninh? - Ảnh 1.

Du lịch thắp sáng bức tranh kinh tế

Trong bức tranh chung của sự tăng trưởng kinh tế Tây Ninh, du lịch được xem là điểm sáng quan trọng. Năm 2022, ngành du lịch tỉnh này phấn đấu đạt khoảng 3,1 triệu lượt khách đến tham quan nhưng tổng kết 12 tháng đã xuất sắc đạt 4,5 triệu lượt, tăng 200% so với năm trước, mang về cho ngân sách tỉnh 1.400 tỉ đồng, tăng 130%. Kết quả này đưa Tây Ninh trở thành một trong những tỉnh phía nam có tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ nhất sau đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm nay, khi khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng chậm lại thì khu vực dịch vụ – thương mại tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, đóng góp tới 32,07% GRDP của tỉnh. Đáng chú ý, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 1.450 tỉ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, thời gian qua ngành du lịch đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị. Đặc biệt, việc thành công thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược như tập đoàn Sun Group, Vingroup… đến xây dựng những sản phẩm du lịch nhân tạo đẳng cấp, mới lạ đã tạo ra bước cải thiện lớn về sản phẩm, dịch vụ ở cả 2 mặt số lượng và chất lượng. Từ đó, thu hút lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều và chất lượng khách cũng tăng cao. Tây Ninh đã sở hữu đầy đủ tiềm năng để có thể phát triển hầu hết các loại hình du lịch truyền thống văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, nghiên cứu khoa học.

Động lực nào bứt phá kinh tế Tây Ninh? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh tỉnh xác định đã đến lúc không thể đi theo tốc độ bình thường mà phải có thay đổi với tư duy đột phá, tận dụng ưu thế địa phương để chuyển thành động lực tăng trưởng và phát triển cho địa phương cũng như cả vùng. Công nghiệp và dịch vụ du lịch được xác định là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước.

“Đến năm 2030, Tây Ninh phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và là địa điểm có môi trường sống tốt bậc nhất khu vực. Nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến năm 2050, Tây Ninh sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, có thương mại và du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu.

Sức hút đến từ những “bom tấn” du lịch

Thực tế, từ sau khi mở cửa trở lại hậu Covid-19, Tây Ninh nổi lên trở thành một trong những điểm đến “hot” nhất, luôn ghi nhận lượng khách kỷ lục mỗi dịp cao điểm lễ, tết. Năm 2022, Tây Ninh đón 5 triệu lượt du khách tham quan, là một trong những địa phương thu hút khách du lịch hàng đầu cả nước. Chuyên trang du lịch Vietnam Nomad còn xướng tên Tây Ninh trong danh sách “10 viên ngọc ẩn” tuyệt đẹp của du lịch Việt, là điểm đến phải ghé thăm trong năm 2023.

Vượt khoảng 1.800 km trên hành trình gần 6 giờ từ Vân Đồn bay vào TP.HCM rồi đi xe đến Tây Ninh, gia đình chị Phạm Ánh Hoa (Quảng Ninh) không giấu nổi vẻ xúc động khi được đặt chân đến núi Bà Đen đúng dịp diễn ra lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh. Chị Hoa cho biết: “Đầu năm nay tôi đã lỡ hẹn đến bái Bà, nên tôi quyết định thu xếp công việc để đến núi Bà Đen vào dịp lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh. Thực sự bất ngờ khi được chứng kiến lễ vía trang trọng tại chùa Bà và cùng hòa mình vào dòng người để nghe pháp thoại và thả hoa đăng trên đỉnh núi trong ánh đèn ảo diệu khi đêm về. Cảm giác như mình đi lạc vào miền đất Phật vậy, vô cùng an yên và thư thái”.

Không phải đến bây giờ, núi Bà Đen mới là điểm đến nổi tiếng nhất Tây Ninh. Từ nhiều thập niên trước, ngọn núi được mệnh danh linh thiêng bậc nhất Nam bộ này đã luôn xếp hàng đầu trong danh sách những điểm phải đến của các “tín đồ” du lịch tâm linh. Thế nhưng, giai đoạn đó, muốn ghé thăm nơi này không dễ. Để lễ Bà hay chinh phục đỉnh núi, du khách phải đi bộ theo những lối mòn hoặc vượt qua 1.000 bậc thang từ chân núi mất 2 – 4 giờ đồng hồ mới có thể lên tới đỉnh. Cùng với đó, ngoài chiêm bái núi Bà Đen, gần như không có hoạt động nào hấp dẫn để níu chân du khách nên ai đi cũng phải lên sẵn lịch trình canh thời gian sao cho khéo để đi/về trong ngày.

Năm 1998, một tuyến cáp treo được xây dựng đưa du khách đến với chùa Bà dễ dàng hơn, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Con đường lên “nóc nhà Nam bộ” với hơn 600 m leo bộ theo đường núi hiểm trở từ chùa Bà vẫn là thách thức rất lớn. Tháng 1.2020, tuyến cáp treo hiện đại – hạng mục đầu tiên của khu du lịch Sun World Ba Den Mountain do Sun Group đầu tư trên đỉnh núi Bà Đen đi vào hoạt động đã làm thay đổi trải nghiệm du lịch tại Tây Ninh; rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Nam bộ” và chùa Bà chỉ còn tính bằng phút thay vì ngày. Bất lợi khi hình thành đúng thời điểm dịch bệnh nhưng khu du lịch lại vô tình trở thành “vũ khí lợi hại” cho Tây Ninh khi mở cửa trở lại sau dịch.

Một quần thể được đầu tư đồng bộ cùng nhiều trải nghiệm tâm linh độc đáo, công trình tâm linh quy mô lớn trên đỉnh núi với nhiều công nghệ hiện đại, hệ thống chiếu sáng 3.500 đèn LED khắp đỉnh núi… đã lập tức thắp sáng du lịch Tây Ninh sau những đêm dài Covid-19. Chỉ trong tháng giêng năm 2023 vừa qua, núi Bà Đen đã đón gần 2 triệu lượt khách. Đặc biệt, núi Bà Đen còn là nơi hiếm hoi tại VN lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trở thành điểm đến tâm linh hàng đầu Nam bộ. Dự đoán tới năm 2025, khu du lịch này sẽ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách và cán mốc 8 triệu lượt vào năm 2035.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), gọi đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của những “bom tấn” du lịch đến từ mảng công viên trải nghiệm mà thời gian qua ngành du lịch đã ghi nhận sự phát triển đột phá. Tổ hợp Sun World Ba Den Mountain đã mang đến cuộc “lột xác” cho ngành du lịch tỉnh Tây Ninh, giống như cách Bà Nà Hills định vị đẳng cấp du lịch Đà Nẵng hay Sun World Fansipan Legend giúp đột phá du lịch Sa Pa (Lào Cai)…

Những công trình quy mô, đẳng cấp được đầu tư bài bản như Sun World Ba Den Mountain sẽ là điểm nhấn tạo sức hút “kinh khủng”, không chỉ hút khách nội địa mà còn góp phần khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Sản phẩm đa dạng cũng sẽ kéo khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn từ thị trường này.

>>> Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ

Nguồn : Thanh niên

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN